Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

90 triệu đồng và 13 tỷ USD kiều hối

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 13,81 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng 1,9 tỷ USD, tương ứng 16% so với năm 2016. Với thành tích rực rỡ chưa từng đạt được này, năm 2017, Việt Nam cũng đã thế chỗ Bangladesh để lọt vào Top 10 quốc gia, lãnh thổ có kiều hối lớn nhất thế giới (nước Nam Á nghèo đó đã giảm 0,7 tỷ USD xuống còn 12,85 tỷ USD).

Năm 2016, sau 6 năm liên tục tăng, kiều hối về Việt Nam đã bất ngờ sụt giảm 1,3 tỷ USD (10%) so với năm trước đó, chỉ đạt 11,88 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 27-12-2017, tính đến hết năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 213,77 tỷ USD và nhập khẩu 211,1 tỷ USD. Năm 2017, Việt Nam xuất siêu 2,67 tỷ USD.

GDP của Việt Nam năm 2017 đạt 223,9 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước tính 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Trở lại chuyện kiều hối với ý nghĩa na ná của hoạnh tài trên trời rơi xuống (chủ yếu do người Việt và gốc Việt ở hải ngoại gửi về giúp gia đình), với con số 13,8 tỷ USD nội trong năm 2017 và trong nhiều năm trước mỗi năm cũng trên 10 tỷ USD, lượng USD trong dân cực lớn. Có nghĩa là rất đông người Việt sở hữu USD. Người nhận kiều hối chủ yếu phục vụ cho chi tiêu cải thiện cuộc sống và dành một phần đầu tư, sản xuất. Có nghĩa là chuyện người dân đổi USD sang tiền Việt là chuyện bình thường ở huyện (nhưng bất thường ở Cần Thơ vừa qua).

Theo lẽ thường tình của lưu thông, tiền USD đổi sang tiền Việt để chi xài trong nước thì tiền USD hầu như vẫn còn ở trong nước hầu hết. Chuyện đầu tư ngược hay chuyển ngược ra nước ngoài lại là chuyện khác, và thường dính tới pháp luật.

Còn theo luật định, người có ngoại tệ ở Việt Nam có thể đổi tiền tại các điểm thu đổi ngoại tệ có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Mà số lượng điểm này không nhiều và đổi ở đó phải theo tỷ giá Nhà nước, kèm những thủ tục khai báo nhiêu khê. Điều quan trọng nữa là nơi đó chỉ mua vào chớ chuyện bán ra ngoại tệ cho người cần mua thì cực kỳ nan giải. Ai có qua cầu mới hay!

Cũng đừng nên viện dẫn là rất nhiều nước trên thế giới vẫn buộc người ta phải đổi ngoại tệ ở các nơi được cấp phép. Thiệt ra, bản chất vấn đề vẫn là để bảo vệ quyền lợi của người sở hữu ngoại tệ chớ không lăm le chỉ để quản lý ngoại tệ của họ. Và cái điều mà tôi nghĩ là sinh tử, đó là trên thế giới này chỉ có những nước nghèo mới có nhiều kiều hối. Mà Việt Nam lại có một đặc thù hiếm có là những cuộc di tản khổng lồ đã tạo ra những cộng đồng người Việt định cư khắp thế giới với số lượng lớn (hiện khoảng 5 triệu người bao gồm người Việt vẫn mang quốc tịch Việt – chỉ có thẻ xanh và người Việt đã nhập tịch nước ngoài – người gốc Việt). Vì thế, Việt Nam cần có một cơ chế linh hoạt cho đặc thù của mình. Tôi chớ hề có ý kiến ý cò gì về chuyện Nhà nước phải quản lý ngoại tệ. Vấn đề là quản lý như thế nào mà đem lại lợi ích cho tất cả và nuôi được nguồn. Người Việt có câu “bỏ con tép, bắt con tôm” á nghen.

Chuyện ai đó do đổi 100 USD (2.260.000 đồng) mà bị phạt tới 90 triệu đồng (gấp 41 lần), tôi nghĩ là cơ quan chức năng làm đúng luật vì luật đang quy định như vậy. Nhưng chỉ có điều nó hợp lý mà chẳng hợp tình, lý và tình vẫn ông chằng bà chuộc với nhau.

Liệu chuyện đổi tiền bị phạt ứ hự có ảnh hưởng tới chuyện kiều hối không? Tôi nghĩ người ta chỉ chăm bẳm vào một cái cây mà không nhìn xa ra cả một rừng cây. Chẳng biết ai sao, nhưng tôi đã bị văng miểng. Bạn bè của tôi ở Mỹ trân trọng báo tin từ nay không gửi tiền đô về cho tôi an dưỡng nữa chỉ vì lo lắng tôi sẽ bị phạt nặng, hưởng lợi con chuột, tổn thất con voi. Ôi cái lý lẽ thiệt là thương yêu trìu mến để mà danh chính ngôn thuận cắt viện trợ cho tôi. Mà lạ cái kỳ hờm, cả tôi lẫn họ đều không thấy họ có lỗi chút nào. Họ làm đúng luật, luật Việt Nam, đó mà!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.