Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Tôi đớn hèn nghen…

Trưa nay, cô công nhân đổ rác dân lập chạy xe rác ngang qua mấy túi rác trước nhà tôi liếc cái rồi rồ ga tỉnh bơ chạy thẳng. Rác của mấy nhà lận đó. Vậy mà, tôi cũng chỉ biết ngó theo cười trừ, dù trong bụng hỗng có ưng chút nào. Tôi cam chịu hèn không dám hó hé, càm ràm, chớ đừng nói chi là khiếu nại, dù đối tượng chỉ là một cô công nhân đổ rác dân lập. Chẳng phải do tôi là người anh em thiện lành bẩm sinh đâu, chỉ e rằng tôi mà phản ứng, cái sự nghiệp đổ rác của nhà tôi từ nay có thể hết hanh thông, suôn sẻ.

Điều này giải thích vì sao bao lâu nay, ngày nào có điều kiện, tôi cũng canh me chờ cô đổ rác mà cười duyên với nàng ấy ít nhứt cũng một cái cầu tài.

Mà thiệt, công nhân vệ sinh vào năm 2019 này có thêm quyền lực đó nghen. Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký ngày 14-11-2018, ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP, có hiệu lực từ ngày 24-11-2018, tổ chức thu gom rác thải được quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình, chủ nguồn thải khi hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại, chuyển giao chưa đúng theo quy định,… Chưa hết, các hộ dân không phân loại rác tại nguồn, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt bằng tiền từ 15 – 20 triệu đồng. Ớn chưa.

Mới bữa rồi đây, khi nhà bên cạnh nhà tôi đổ cơm thừa cá cặn bừa bãi vào túi rác, nhìn phát gớm, cô lấy rác dân lập đã từ chối lấy rác. Báo hại, chủ nhà phải năn nỉ và cam kết không tái phạm.

Đó, bạn thấy chưa, với cô lấy rác dân lập mà tôi cam chịu đớn hèn như vậy, nói chi là với các cán bộ, viên chức công quyền. Ông bà dạy: Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Cuộc đời dạy tôi một chữ NHẪN (tùy ngữ cảnh mà thêm cái tiếp vĩ ngữ: CHỊU hay NHỤC).

Nhân tiện, sáng nay, 14-1-2019, báo Tuổi Trẻ giấy đã đăng ý kiến một số người nước ngoài đang sinh sống tại TP.HCM về “Đề án văn hóa công vụ” vừa được Thủ tướng phê duyệt. Trong số 4 ý kiến, tôi chú ý tới ý kiến của ông Frédéric Coutu (Canada). Ông chia sẻ: “Nước tôi không có đề án tương tự do công chức – những người phục vụ dân – đều muốn làm tốt nhất có thể vì họ muốn giúp đỡ người khác và làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, điều này phần nào do họ được trả lương cao và được cơ quan đối xử tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam tôi chưa thể tin tưởng những người ở vị trí này. Trong văn hóa làm việc của các bạn nói chung, không riêng gì các bộ phận hành chính, việc sai phạm là… bình thường. Chẳng hạn như nhiều người ngồi chơi với chiếc điện thoại trong giờ làm việc – một hành vi hầu như không bao giờ thấy ở nước tôi.”

Rồi tôi chợt nhớ tới nhận xét của nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn: Ở các nước Âu Mỹ phát triển, thường thì người ta làm giàu rồi mới đi làm chính trị để phục vụ người dân. Còn ở các nước kém phát triển, như ở Châu Á, người ta thường đi làm chính trị để làm giàu.

Còn tôi đang hy vọng, ngày mai, cô đổ rác dân lập sẽ chịu lấy rác của nhà tôi. Có gì đôi ta trao đổi tâm sự với nhau hén! Lady first!

PHẠM HỒNG PHƯỚC