Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Bao giờ các trò mới bớt chết đuối!

Tôi cố tình không dùng dấu hỏi mà thay bằng dấu chấm than cho cái câu hỏi mà biết tỏng là không có câu trả lời này.

Cấp học nào cũng có môn gọi là rèn luyện thể chất. Nếu bộ, nếu sở, nếu phòng của ngành giáo dục vẫn làm ngơ, hiệu trưởng từng trường nên quyết định đưa việc dạy bơi lội thành một môn bắt buộc – chí ít trong trường mình và trong thẩm quyền của mình. Ngoài bơi lội, còn cần thường xuyên rèn luyện cho các học sinh các kỹ năng, kinh nghiệm sống sót khi gặp tai nạn – trước tiên từ tai nạn giao thông, hỏa hoạn,…

Đành rằng có những trường hợp biết bơi vẫn bị chết đuối. Nhưng bất luận thế nào, người biết bơi và bơi càng giỏi càng ít có khả năng bị chết đuối hơn – thậm chí có thể bị đuối nước mà không tới nỗi phải chết.

Ước gì người ta – đặc biệt là những người có trách nhiệm, bớt đi những chuyện viễn vông, xa vời mà đi vào thực chất cuộc sống hàng ngày.

Riêng ở nhà trường, lâu nay vẫn coi tỉ lệ học sinh lên lớp, học sinh khá giỏi làm những tiêu chí cho thành tích của nhà trường, của tập thể. Tôi không rõ tỉ lệ học sinh bị tai nạn, thậm chí mất mạng, như thế này có được xem xét vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng hay không? Hoặc có tính tới cái chuyện “trách nhiệm của người đừng đầu” hay không?

Và trước tiên, các phụ huynh học sinh cần có ý thức trang bị cho con em mình các kỹ năng sống còn đó. Nhà trường mà vẫn “ngoan cố” coi như người ngoài cuộc thì chính phụ huynh phải cho con em mình đi học bơi. Dù sao, đó vẫn là một trong những kỹ năng có ích cho người ta trong suốt cả phần đời còn lại của mình. Là người lớn, phụ huynh phải chủ động vá quyết liệt, không thể chịu thua sự phản đối của con em trong trường hợp này – nếu có. Khi đọc những tin đau lòng như thế này, xin hãy nghĩ rằng con em mình may mắn quá, nhưng biết đâu chừng có ngày….

Chẳng ai biết được lát nữa, chớ đừng nói ngày ai, mình sẽ ra sao. Vì thế, người sống sót là người luôn sẵn sàng đương đầu với những bất trắc, tai ương.

Nguyện cầu linh hồn các cháu sớm siêu thoát.

P/S: Tôi không share tin quá đau lòng này, mà chỉ chụp ảnh một phần màn hình nhằm minh họa cho lời thỉnh cầu các vị người lớn hãy dạy trẻ em học bơi lội. Tôi cũng không dùng từ “đuối nước” mà gọi đích danh đó là “chết đuối” như dân gian bao đời này vẫn gọi như vậy để mà biết sợ, biết lo đúng mực.

PHẠM HỒNG PHƯỚC