Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Tiền Giang khai trương nền tảng Chính quyền số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 17-12-2021, tỉnh Tiền Giang đã khai trương nền tảng Chính quyền số toàn diện đầu tiên ở Việt Nam. Đây là một hệ sinh thái thống nhất, có tính liên kết, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, với kiến trúc mở cho phép các doanh nghiệp công nghệ số có thể cùng tham gia chung tay kiến tạo, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Nền tảng Chính quyền số toàn diện này đã được xây dựng với sự hợp tác giữa UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT). Hai bên đã hợp tác để xây dựng hạ tầng cho chính quyền số, đón đầu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Lễ ký kết hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 giữa UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn VNPT diễn ra ngày 17-12-2021 tại Tiền Giang.

Từ nền tảng viễn thông – công nghệ thông tin phủ rộng khắp cả tỉnh…

Là địa phương vùng cửa ngõ vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí địa lý quan trọng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua, Tiền Giang xác định mục tiêu phát triển phải gắn liền với ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số. Thỏa thuận hợp tác Viễn thông – Công nghệ thông tin (VT-CNTT) với Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014-2020 đã mở ra kỷ nguyên mới, giúp UBND Tiền Giang xây dựng Chính quyền điện tử hoàn chỉnh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trong 6 năm triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2014-2020, Tập đoàn VNPT đã chủ động, tích cực triển khai đầu tư hạ tầng mạng truyền thông và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp rộng khắp địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang, góp phần tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng CNTT phục vụ trong các hoạt động chuyên môn cũng như đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của người dân. Nhờ đó, đến nay, tỉnh Tiền Giang được nằm trong Top 10 toàn quốc về chỉ số xếp hạng ICT Index.

Đến nay, VNPT đã quang hóa 100% hạ tầng đường truyền ở Tiền Giang. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành phủ rộng đến các sở/ngành, huyện, thị, thành phố và 172 xã, phường, thị trấn giúp tiết kiệm chi phí trên 40 tỷ đồng. 100% bộ thủ tục hành chính đạt từ mức độ 2 trở lên, trên 90% thủ tục hành chính đạt mức độ 3 và 4. Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang và các sở, ban, ngành với gần 60 cổng vệ tinh kết nối. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh với 100% công chức được cấp tài khoản thư điện tử; kết nối khoảng 280 điểm cầu trực tuyến phục vụ hội nghị truyền hình từ trung ương, tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện… Sau hơn 6 năm triển khai thỏa thuận hợp tác cùng VNPT, đến nay, Tiền Giang cơ bản hoàn thiện xây dựng các giải pháp Chính quyền điện tử đáp ứng theo yêu cầu Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Hạ tầng mạng truyền số liệu, lưu trữ máy chủ dữ liệu, hệ thống bảo mật thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống chính quyền điện tử, tạo tiền đề chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đô thị thông minh trong thời gian tới. Đáng chú ý, nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cao, đứng đầu khu vực ĐBSCL và hình thành khu CNTT tập trung từng được ví là Thung lũng Silicon ĐBSCL với hơn 200 kỹ sư CNTT đang làm việc. Đặc biệt, chỉ số xếp hạng CNTT của tỉnh Tiền Giang đã thay đổi ngoạn mục, tăng 50 bậc so với năm 2013. Năm 2019, Tiền Giang được xếp hạng thứ 5/63 tỉnh, thành toàn quốc về ICT Index.

Song song với hành trình xây dựng chính quyền điện tử, cùng với hệ sinh thái đa dạng VNPT, Tiền Giang đón đầu chuyển đổi số với những giải pháp CNTT hiện đại trên tất cả các lĩnh vực. Hơn 200 camera an ninh và camera giao thông được lắp đặt để giám sát và bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông; Hệ thống Wi-Fi thông minh phục vụ du lịch; xây dựng các lớp bản đồ số hóa các đối tượng cần quản lý như: giao thông vận tải, công thương, nông nghiệp… Hệ thống VnEdu hiện được triển khai toàn diện cho 163 trường học các cấp với trên 9.000 giáo viên các cấp ứng dụng.

Giai đoạn 2014-2020 còn đánh dấu sự phát triển mạnh của ngành Y tế với hơn 200 bệnh viện, trung tâm, trạm y tế và các phòng khám triển khai hệ thống quản lý khám chữa bệnh VNPT HIS. Hệ thống được kết nối liên thông dữ liệu và thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế trực tuyến.

Bên cạnh Giáo dục, Y tế, hệ thống quản lý đầu tư công, báo cáo kinh tế xã hội; quản lý hồ sơ công chức và chứng thực; bản đồ du lịch điện tử; cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; hệ thống sàn giao dịch điện tử cũng được ứng dụng rộng khắp. Các phần mềm chuyên ngành được ứng dụng rộng rãi bước đầu phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

… Đến nền tảng Chính quyền số toàn diện lần đầu tiên tại Việt Nam

Từ đầu năm 2019, Tiền Giang triển khai thí điểm Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang. Với vai trò là đối tác được UBND tỉnh lựa chọn, Tập đoàn VNPT đã tư vấn đề án này và tập hợp những kỹ sư CNTT chuyên môn giỏi, các đối tác nhiều kinh nghiệm cùng nhau nghiên cứu, xây dựng nền tảng và hệ sinh thái chính quyền số tỉnh Tiền Giang.

4 mục tiêu trọng yếu được đề ra trong đề án xây dựng nền tảng và hệ sinh thái chính quyền số tỉnh Tiền Giang gồm: Xây dựng khung kiến trúc chính quyền số hướng mở và có khả năng phát triển phù hợp nền tảng công nghệ tiên tiến trên thế giới; Hệ thống phải bảo đảm liên thông các hệ thống thông tin, cho phép quản trị điều hành xuyên suốt, tự động hóa các quy trình vận hành và mang đến tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; Hệ thống phải bảo đảm tích hợp các dữ liệu khổng lồ từ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm nền tảng cho việc phân tích dự báo, hỗ trợ ra quyết định. Hệ thống số liệu được chuẩn hóa, chia sẻ, dùng chung các ngành, các lĩnh vực, dữ liệu công khai, minh bạch và tăng cường kết nối giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Với sự nỗ lực của cả 2 bên, đến nay hệ sinh thái chính quyền số Tiền Giang đã được hoàn thiện với app di động dành cho công dân (TienGiangS), app di động dành cho chính quyền (TienGiangG), Hệ thống quản lý và điều hành nghiệp vụ chính quyền số (iOffice, iGate, ISO điện tử, tổng đài 1022,…).

Các ứng dụng này được liên thông, kết nối và chia sẻ dữ liệu. Nền tảng mở cho phép các ứng dụng TienGiangS, TienGiangG và hệ thống quản lý điều hành nghiệp vụ chính quyền số có thể kết nối với các ứng dụng của bên thứ ba một cách dễ dàng hình thành nên một hệ sinh thái chính quyền số mở.

Với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2014-2020, tỉnh Tiền Giang tiếp tục lựa chọn VNPT làm đối tác hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Ngày 17-12-2021 tại Tiền Giang, hai bên đã ký kết tiếp hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong thời gian tới, sự hợp tác giữa UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn VNPT sẽ hướng tới các trọng tâm: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tốt nhất, bảo đảm tính bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu, ứng dụng dịch vụ CNTT trên hạ tầng mạng viễn thông do Tập đoàn VNPT xây dựng; Tiếp tục xây dựng, phát triển và đưa vào sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ CNTT góp phần xây dựng chính quyền số hướng đến kinh tế số, xã hội số. UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn VNPT triển khai, đầu tư, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ về VT-CNTT, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về VT-CNTT phục vụ các lĩnh vực kinh tế – xã hội mà tỉnh Tiền Giang có nhu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Sự hợp tác giữa UBND tỉnh và Tập đoàn VNPT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các chương trình, mục tiêu về chuyển đổi số của tỉnh Tiền Giang đã đề ra từ nay đến năm 2030.”

Phát biểu tại lễ khai trương Chính quyền số toàn diện của tỉnh Tiền Giang và ký kết hợp tác trong giai đoạn mới giữa VNPT và Tiền Giang, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, khẳng định rằng sự kiện ngày hôm nay mang ý nghĩa to lớn đối với VNPT không chỉ trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên mà còn là hình mẫu cho chuyển đổi số để nhân rộng áp dụng. Tập đoàn VNPT sẵn sàng góp sức để thực hiện các chủ trương, định hướng và quyết tâm của ban lãnh đạo tỉnh. Bên cạnh đó, Tập đoàn VNPT cũng cam kết đầu tư nguồn lực tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt trong lĩnh lực an toàn, an ninh chính quyền số, hạ tầng VT-CNTT và đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Đồng thời, cam kết tư vấn, giới thiệu cho UBND tỉnh Tiền Giang các công nghệ, thành tựu mới nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số.

MEDIAONLINE

Nguồn do VNPT cung cấp.