Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Ứng dụng công nghệ giúp công chức làm việc tại nhà

TP.HCM đang tính tới việc sẽ thí điểm cơ chế cho phép những cán bộ công tác ở các vị trí việc làm không tiếp xúc với công dân có thể làm việc tại nhà, nếu đáp ứng được các điều kiện cụ thể. Dự kiến đây sẽ là một nội dung trong dự thảo Đề án “Xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030” mà UBND TP.HCM vừa có văn bản giao Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố chủ trì nghiên cứu xây dựng.

Tất nhiên, đây là phương thức làm việc kết hợp (hybrid work) cho phép cán bộ Nhà nước vừa có thể làm việc tại nhà, vừa vẫn có những thời gian có mặt tại cơ quan.

Chuyện này không có gì lạ. Trước đây, đặc biệt là trong và sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã ứng dụng thành công phương thức làm việc kết hợp như vậy. Cách làm này được triển khai tốt đã đem lại nhiều lợi ích cho cà công ty lẫn người lao động. Thậm chí, đây là một giải pháp cứu nguy cho các doanh nghiệp và người lao động để họ vẫn có thể sinh tồn trong đại dịch toàn cầu. Sau hơn 2 năm đại dịch, làm việc tại nhà (work from home) đã trở nen quen thuộc với giới văn phòng và dần trở thành trào lưu làm việc được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là với người trẻ và những người làm việc tự do (freelancer).

(Nguồn: Internet. Thanks).

Theo thống kê của Leadership IQ, có đến 68% trong số hơn 3.700 người lao động đang làm việc tại nhà ủng hộ việc kết hợp làm việc tại văn phòng với làm việc từ xa. Còn theo khảo sát của PwC Việt Nam, có tới 80% người thuộc thế hệ Gen Z tin rằng họ có thể làm việc từ xa một cách hiệu quả.

Điều cần lưu ý: phương thức làm việc kết hợp giữa văn phòng và từ xa chỉ có thể triển khai khi ứng dụng công nghệ. Các tổ chức, doanh nghiệp đã giải quyết được những bài toán về công nghệ để bảo đảm cho việc làm việc từ xa bên ngoài văn phòng có thể làm được với hiệu quả cao.

Kinh nghiệm vàv các kết quả thực tiễn từ các doanh nghiệp trong việc triển khai phương thức làm việc kết hợp chắc chắn có ích cho chính quyền TP.HCM trong việc thí điểm cho cán bộ làm việc tại nhà. Và với cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về mạng Internet, hiện nay, TP.HCM có nhiều thuận lợi để thí điểm phương thức làm việc mới này. Vấn đề còn lại là chính quyền TP xây dựng được một cơ chế khả thi và hữu hiệu. Tất nhiên, Nhà nước phải đầu tư ban đầu, nhưng cần cẩn trọng để tránh các vết xe đổ của lãng phí.

Nhìn từ một góc độ khác, phương thức làm việc tại nhà sẽ góp phần xóa dần đi cái “văn hóa công chức” từ nhiều thập kỷ là “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Nó phù hợp với xu thế toàn cầu khi người ta đánh giá năng lực của người lao động ở “kết quả làm việc” chứ không phải ở “cung cách làm việc”.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 18-10-2023 và trên báo NLĐ Online.

HOÀN XUÂN