Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Vụ “nhại” bức tranh “Bữa Tiệc Ly” (The Last Supper) tại Olympics Paris 2024

Hầu như kỳ Thế vận hội Olympics nào, A Phủ cũng háo hức đón coi lễ khai mạc với chương trình biểu diễn ngoạn mục mang đậm bản sắc của nước đăng cai. Đặc biệt là khi Olympics 2024 được tổ chức tại thủ đô nước Pháp, một đất nước vốn nổi tiếng về nền văn minh, mà thủ đô Paris được đặt cho nickname “Kinh đô Ánh sáng”. Vì thế, khi biết tin do bản quyền truyền hình quá cao và những lý do XYZ chi đó, người hâm mộ thể thao ở Việt Nam không được xem trực tiếp toàn bộ nội dung của Olympics Paris 2024, A Phủ tiếc hùi hụi. Tới chừng đọc tin thấy những tình tiết bầy hầy trong cái gọi là lễ hội văn hóa khai mạc Paris 2024, A Phủ lại vui mừng vì lễ khai mạc không được coi trực tiếp ở Việt Nam. (Hình như video lễ khai mạc cũng đã bị gỡ khỏi kênh YouTube chính thức của Olympics).

Biếm họa của Họa sĩ DAD. (Ảnh từ Facebook bạn bè. Thanks.)

Bên cạnh những cái đẹp, cái hấp dẫn của lễ khai mạc, nổi bật là sự trình diễn của nữ danh ca Celine Dion ở tuổi 56 (nghe nói cát-sê của lần xuất hiện này là 2 triệu USD), lễ khai mạc Paris 2024 có những cái tệ lậu xấu xí. Nổi nhất và gây sóng gió nhất là màn trình diễn của một nhóm đồng tính LGBT.

Xin hãy đọc những lời mô tả của tài khoản Le Minh Dat trên Facebook:

“- Trung tâm của màn trình diễn này, nhại theo vị trí của Chúa Giê-su, là một người nam đồng tính (gay) đóng vai Drag Queen. Nếu bạn không biết, thì trong văn hóa phương Tây, Draq Queen là một người đồng tính gay ăn mặc trang sức như một người nữ, nhằm để cổ súy cho phong trào đồng tính LGBT.

“- Xung quanh Draq Queen là những người hóa trang theo phong cách ghê rợn. Làm ơn giải thích cho tôi là phong cách này đẹp như thế nào!

“- Trên sân khấu cũng có một em trạc tuổi thiếu nhi. Một thông điệp rất rõ ràng, rằng, sự diêm dúa luông tuồng ghê rợn kia sẽ nhắm vào thế hệ trẻ. Con của bạn nằm trong số đó. Họ, cánh tả liberals, cố gắng nhồi nhét vào con trẻ sự luông tuồng tình dục đồng tính và vô số điều ghê rợn xằng bậy khác. Họ dán một cái nhãn lên những việc đó là tân thời, là cấp tiến, là tự do,…”

(Hết trích).

Ảnh từ Internet. Thanks.

Người phụ nữ đóng cái vai gây sóng gió đó là Leslie Barbara Butch, một nữ DJ 43 tuổi, người Paris tự xưng là “nhà hoạt động cho tình yêu”. Cô ta cũng là nhà hoạt động cho giới đồng tính nữ (lesbian) và cho những người béo phì. (Tham khảo).

Việc trình diễn của nhóm LGBT này sẽ là bình thường, thậm chí cần khuyến khích, nếu như nó không nhại theo bức tranh bích họa Bữa Tiệc Ly (The Last Supper; tiếng Ý: Il Cenacolo hay L’Ultima Cena) được nhà danh họa Leonardo da Vinci sáng tác vào khoảng năm 1495 đến 1498 (hiện có tại phòng tiệc của Tu viện Santa Maria delle Grazie ở thành phố Milano, Ý). Bức danh họa này thể hiện sự kiện Chúa Jesus ăn bữa ăn cuối cùng với các môn đồ của mình trước khi chịu chết trên Thánh giá. Bức tranh này đã trở thành một bức tranh thiêng liêng của người Thiên Chúa giáo, và được gắn tại bàn thờ chính của rất nhiều nhà thờ trên thế giới.

Vì thế, không thể có lời bào chữa nào cho nhận định: sự xúc phạm bức tranh thiêng liêng như của nhóm LGBT tại Paris 2024 không chỉ mạo phạm đến Chúa Jesus mà còn làm tổn thương cả cộng đồng Thiên Chúa giáo thế giới.

Và chính cộng đồng LGBT nói riêng và những người Pháp chân chính nói chung cũng bị tổn thương.

Những người có trách nhiệm tổ chức lễ khai mạc Paris 2024 không thể nhân danh ủng hộ giới LGBT (một điều rất đáng nên làm) và nhân danh quyền tự do mà báng bổ cả một tôn giáo. Điều này càng có tình tiết tăng nặng khi vụ việc xấu xí này xảy ra ngay tại thủ đô một đất nước vốn tự hào là văn minh bậc nhất thiên hạ.

Theo những thông tin ban đầu, cả hai ông Thomas Jolly, Giám đốc Nghệ thuật của lễ khai mạc Paris 2024, và Tony Estanguet, Chủ tịch Olympics Paris 2024, đều thể hiện sự nhân danh nước Pháp tự do muốn làm gì thì cứ làm. “Đây là Pháp quốc” (This is France) – có ông quan chức Pháp cao cấp nào đó đã nói như vậy. A Phủ mà còn sân si đố kỵ thất tình lục dục chưa ngộ buông bỏ như xưa thì đã bật lại rằng: “Ủa, Pháp quốc là như vậy hả?” Họ nói nước Pháp tôn trọng tự do sáng tạo. Nhưng đó chỉ là ngụy biện, thậm chí là xúc phạm chính người Pháp, vì chẳng lẽ họ không thể phân biệt được sáng tạo lành mạnh với sáng tạo bệnh hoạn.

Thiệt ra, chẳng ai rỗi hơi mà phản đối cái quyền của họ. Người ta chỉ phản ứng về cách mà họ quan niệm và thực hành cái quyền đó của mình từ góc độ thế giới. Thôi thì cứ để cho cộng đồng thế giới, đặc biệt là những nước văn minh ngang tầm họ, nhận xét.

Tất nhiên sự việc này sẽ gây nhiều tranh cãi. Người phản bác, kẻ bênh vực. Chỉ có những người có niềm tin tôn giáo nào đó ắt sẽ không thể tránh phải hoang mang: nếu như tôn giáo của mình bị ai đó xúc phạm tương tự…

Hy vọng các vận động viên từ khắp thế giới về tranh tài tại Olympics Paris 2024 sẽ không bị ảnh hưởng tâm lý về những khoảnh tối của việc tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.

UPDATED: Cũng có những người giải thích rằng màn trình diễn của nhóm này “nhại” bức tranh Festin des dieux của họa sĩ Hà Lan Jan van Bijlert mô tả bữa tiệc do Thần Apollon là chủ tiệc được vẽ vào khoảng năm 1635 (140 năm sau bức The Last Supper). Nhưng theo cách bố cục bàn tiệc của nhóm trình diễn tại Paris 2024, người ta dễ liên tưởng đến bức The Last Supper hơn. (Còn xét về không khí nhục dục thì quả thật cảnh của nhóm Paris 2024 giống với bức Festin des dieux hơn). Chính ban tổ chức Paris 2024 cũng thừa nhận có sự liên tưởng tới bức The Last Supper như thế. Và chẳng lẽ các báo lớn trên thế giới cùng nhiều người có uy tín, kể cả một số lãnh đạo quốc gia, đã phản ứng một cách mù quáng.

Bức tranh “Festin des dieux” của họa sĩ Hà Lan Jan van Bijlert. (Ảnh từ Internet. Thanks.)

Tất nhiên, đây là chuyện dễ tranh cãi, tùy góc nhìn và cái nghĩ của từng người. Nói chung là ta tôn trọng chính kiến của mỗi người và không nhạo báng nhau về chính kiến khác nhau. Chân lý thì chỉ có một, dù được diễn dịch theo nhiều cách.

A.P.