Thứ Ba ngày 10 tháng 12 năm 2024

Chơi game cứ chơi, miễn là tuân thủ luật chơi…

Từ ngày 25-12-2024, khi Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng bắt đầu có hiệu lực, những người chơi game tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ hàng loạt quy định mới theo hướng quản lý chặt chẽ và có nhiều hạn chế hơn. Trong đó, một trong những quy định được quan tâm nhất là người chơi game dưới 18 tuổi sẽ chỉ được phép chơi một game không quá 60 phút và nhiều game tổng cộng không quá 180 phút trong một ngày (24 giờ, tính từ 0g).

Các nhà phát hành trò chơi điện tử được cấp phép sẽ phải dán nhãn phân loại game theo loại hình và độ tuổi người chơi; đồng thời phải trang bị các tính năng kỹ thuật để bảo đảm người chơi tuân thủ các quy định giới hạn có liên quan đến độ tuổi. Nhãn loại trò chơi và thông tin cảnh báo thời gian chơi phải được nhà phát hành thể hiện trong giới thiệu, quảng cáo và phát hành trò chơi điện tử; cũng như có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của game (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi game. Đó là chuyện của nhà phát hành và cung cấp dịch vụ chơi game. Họ sẽ được cơ quan chức năng thanh tra, giám sát thường xuyên và phải chịu những hình thức xử phạt nếu như không tuân thủ các quy định của nhà nước.

(Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Vấn đề chính để bảo đảm cho mục tiêu bảo vệ giới trẻ của Nghị định 147/2024/NĐ-CP lại nằm ở phía người chơi nói riêng và gia đình nói chung. Việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần phải được các cơ quan chức năng, các tổ chức có liên quan và kể cả nhà trường tăng cường, tiến hành thường xuyên và theo những hình thức phù hợp, có hiệu quả cao. Vấn đề ở chỗ quản lý chặt chẽ mà vẫn không gây áp lực, căng thẳng cho người chơi. Nhưng với tính cách và tâm lý của độ tuổi của những người chơi game dưới 18 tuổi, vai trò và trách nhiệm của phụ huynh là rất quan trọng trong việc giám sát trực tiếp và bảo đảm cho con em mình tuân thủ các quy định.

Chắc chắn các quy định quản lý mới đối với việc trẻ em dưới 18 tuổi chơi game là điều mà tuyệt đại đa số phụ huynh mong muốn. Con trẻ mê mải chơi game ảnh hưởng tới sức khỏe, chuyện học hành và gây ra nhiều hệ lụy khác bao năm nay vốn là một nỗi lo lắng, đau đầu của các phụ huynh. Bây giờ, tình hình có thể tốt hơn khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy định riêng của từng gia đình với quy định chung của nhà chức trách.

Từ kinh nghiệm thực tế trong chuyện “lên Internet” hay chuyện “chơi mạng xã hội”, việc bảo đảm “người chơi đúng tuổi” quả là cực kỳ khó – nhất là nếu không có sự hỗ trợ từ phụ huynh. Ngoài chuyện khai man tuổi, trẻ em còn phổ biến dùng mạng xã hội hay chơi game trên mạng bằng tài khoản của phụ huynh. Nhan nhản chuyện vì muốn được rảnh tay, phụ huynh giao máy tính bảng, điện thoại thông minh có sẵn các tài khoản mạng xã hội và tài khoản chơi game của mình cho con trẻ mặc tình mà chơi.

Chúng ta không định kiến và bài bác chuyện chơi game điện tử (ở đây không nói tới thể thao điện tử). Đó là xu thế chung của thế giới trong thời đại số. Nhưng do game điện tử là một sản phẩm đặc thù cần phải có cách ứng xử riêng, nên loại hình này cần phải được quản lý thích hợp. Người thích thì cứ việc chơi game, chẳng ai cấm, miễn là họ tuân thủ các quy định về chơi game mà mục đích tối thượng vẫn là để bảo vệ mình và bảo đảm chơi game lành mạnh, có tính giải trí. Chơi game theo đúng luật chơi…

Bất luận thế nào, không ai có thể phủ nhận được lợi ích trước mắt cũng như về lâu dài của việc cần phải quản lý chặt chẽ việc chơi game, nhất là game trên mạng, đặc biệt là với người chơi dưới 18 tuổi. Theo luật định hiện hành ở Việt Nam, dưới 18 tuổi là chưa thành niên (người trưởng thành) và dưới 16 tuổi là trẻ em cần được người lớn bảo vệ. Nhưng nếu muốn nỗ lực mới nhất này của nhà nước đạt được kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội, cần phải có sự phối hợp một cách trách nhiệm và hiệu quả cao của nhà nước (cơ quan quản lý), nhà phát hành và cung cấp dịch vụ game, các tổ chức xã hội có liên quan, gia đình và bản thân người chơi game. Đừng để những nỗ lực này một lần nữa bị bỏ phí.

Bản đăng trên báo Người Lao Động Online ngày 4-12-2024.

PHẠM HỒNG PHƯỚC