Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Nhật ký ghi vội: thứ Sáu 22-2-2013

1.

Có người thân càm ràm rằng dạo này tôi hay viết tếu táo quá, không nhận ra tôi nữa. Hỗng có sai. Từ sau Tết tới giờ tôi bị chập cheng sao đó, chẳng lẽ có sợi dây thần kinh nào đó bị chập mạch?

Thiệt ra, có nhiều dòng chữ tôi gõ khi nước mắt ứa ra. Bên dưới những con chữ ngung ngoăng là những tâm trạng, là cõi lòng đau như xát muối – không phải muối iod mà là muối ớt. Cái tính của tôi nó “trái gió trở trời” lắm. Khi càng buồn, càng đau, tôi càng cười, càng tếu táo. Rất nhiều “nụ cười thương hiệu” xuất hiện trên miệng tôi trong khi ruột gan đang thắt lại từng nùi chưa biết gỡ làm sao ra. Ai tinh ý sẽ nhận ra lúc đó đôi mắt tôi chất chứa “một trời u uẩn” như “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng.

Vậy thì mần răng biết lúc nào tôi cười vui? Đó là lúc cái miệng nhăn răng kèm theo đôi mắt như có “tia nắng mặt trời”.

Nếu ai tinh ý và đồng cảm ắt sẽ nhận ra trong những bài viết “chập cheng” của tôi đó, những chỗ tếu táo chỉ là những câu đưa đẩy như trong những điệu hò, những liên vận chuyển tiếp trong thi phú. Còn lại là những giãi bày rút ruột mà ra.

2.

Giàng ơi, tôi lại làm người ta hiểu lầm vì những tin nhắn và những cú phone. Có thể người đó nghĩ là tôi xúc phạm họ. Từ nhỏ tới giờ – và tôi đoan chắc rằng cho tới khi tôi “ò í e”, tôi chưa bao giờ cố tình làm gì xúc phạm một ai khác – thậm chí đó là kẻ thù ghét tôi tới mức “ghét nhau ghét cả đường đi”. Tất cả chỉ bởi những câu chữ và những lời nói “cách mặt” không diễn đạt trung thực tấm lòng.

Tôi mới đọc được trên Internet bài của bạn Trần Huy Thuận nói về “tính đa nghĩa của lời nói”. Bạn ấy đúc kết:

(Bắt đầu trích)

“Cái sự ĐA NGHĨA của tiếng nói loài người không chỉ ở nội dung câu chữ, mà còn ở “ngữ điệu” phát âm. Cùng một từ như từ “VÂNG” chẳng hạn, khi người nói dùng một ngữ điệu vừa phải, êm ái, ngọt ngào – thì đó là thể hiện sự “vâng lời”, sự “đồng ý, đồng tình”. Nhưng nếu vẫn chữ đó, nhưng âm điệu phát ra chói tai, kéo dài ra,… thì đấy lại phải hiểu là đương sự đang bất bình, đang “bị cưỡng bức đồng ý…”.
“Cái sự ĐA NGHĨA của tiếng nói con người còn được “minh họa” bằng cử chỉ, thái độ của người nói nữa. Nói “VÂNG” mà mặt mũi e thẹn hoặc tươi vui phấn khởi là “vâng thật lòng”. Nói “VÂNG” mà mặt buồn thiu hoặc cau cau có có, là “không đồng ý đâu”! Nên nhớ điều này: đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn mỗi người. Cái “tâm” không thể biết, nhưng nhìn sâu vào mắt thì vẫn có thể nhận ra phần nào cái “thực tâm” của người nói!

“Như vậy có thể rút ra một điều: Nghe con người nói, muốn thật sự HIỂU ý anh ta, người nghe phải lắng nghe ngữ điệu của câu người đó nói đồng thời phải quan sát cử chỉ, gương mặt, đôi mắt của người nói lúc đó nữa. Thiếu những quan sát này, người nghe dễ bị ngộ nhận, dễ hiểu sai vấn đề… Nói chuyện phải nhìn vào mặt nhau, vào mắt nhau là như thế!”

(Hết trích.)

Tôi thì rút ra được bài học cho chính mình: không bao giờ nói những chuyện quan trọng sống còn qua điện thoại hay bằng tin nhắn. Phải diện đối diện! Chẳng phải dân gian mình nói: “Vô duyên đối diện thấy thương liền” sao? Suy ra: có duyên mà cách mặt cũng dễ bị ghét!

3.

Sáng nay trên đường, tôi gặp một người phụ nữ tuổi chừng 40 đang hào hứng sải bước từ hướng chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) ra. Một tay chị xách tòng teng một chiếc bao nilông đựng chừng 2 lon gao. Tay kia cầm giơ lên một cục than tổ ong. Có lẽ chị hớn hở vì trưa nay nhà mình không bị đói. Niềm vui hạnh phúc đơn sơ và nhỏ bé như vậy thôi mà.

Tôi về nhà mà cứ chạnh lòng nghĩ tới những tô cơm nguội bị để cho chua ra trên bếp. Nhân chuyện này, tôi xin thiệt thà khai báo: trước nay ở ngoài đời, tôi là “chuyên gia máy tính”; còn ở nhà, tôi là “chiên da” xử lý cơm thừa canh cặn. Tôi ít khi ăn những thức ăn mới nấu nướng, mà tập trung giải quyết cái số thức ăn còn tồn đọng từ những bữa trước. Tôi sợ phí của trời, uổng công người. Trước khi ăn, tôi luôn tạ ơn Thượng đế đã cho tôi những thức ăn này và xin Ngài trả ơn cho những người đã làm nên chúng cho tôi ăn mà sống. Đã trở thành một phản xạ, nhiều khi gắp một miếng ăn ngon, tôi lại chạnh lòng nghĩ tới những người đang mơ một miếng cơm cho khỏi cồn cào cái bụng.

Nói chuyện đồ ăn thừa mứa, tôi biết nhiều bạn nước ngoài chê người Việt mình hoang phí. Chẳng hiểu do đâu mà người mình có cái tật ăn gì cũng chừa lại một chút. Có thể vì yếu tố tâm linh, luôn muốn có dư dả đặng lần sau có cái mà ăn. Cũng có thể do sĩ diện, muốn tỏ ra mình có của ăn của để, chẳng phải là kẻ đói khát quất sạch sành sanh. Trong khi người Âu Mỹ quan niệm là ăn sạch sẽ mới chứng tỏ chủ nhà nấu nướng ngon.

Có lần trong một nhà hàng buffet ở San Francisco (Mỹ), tôi thấy có cắm một mảnh giấy ghi tiếng Việt: “Xin lấy thức ăn vừa đủ ăn”. Thì rõ là dân mình thường có cái tật “đói con mắt”, ăn buffet cứ lây cho thừa mứa, món gì cũng gắp vô đĩa, ăn không được hay ăn không hết thì vô tư bỏ lại. Dân Mỹ thì họ chỉ lấy những món mình biết ăn và lấy ít thôi, nếu chưa no thì lát quay lại lấy thêm.

Nhiều bạn nước ngoài đi đám tiệc ở Việt Nam thấy đồ ăn dư thừa mứa mà xót xa. Ở Mỹ, đi tiệc nhà hàng, kể cả đám cưới, hễ xong mà còn dư thức ăn là thực khách tự nhiên lấy đem về nhà. Quan niệm của họ là các món ăn này đã được trả tiền nên thuộc về họ. Nhưng cái chính là họ không chịu được sự lãng phí. Nhà hàng tích cực ủng hộ phong cách ăn uống này nên khi tan tiệc, nhân viên phục vụ đem những chiếc hộp không ra dồn thức ăn lại cho khách mang về. Tôi có những người bạn đi đám cưới về cả nhà ăn một tuần chưa hết.

 PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 22-2-2013)

 

BÀI HÁT YÊU THÍCH

 

Để quên con tim. Sáng tác: Đức Huy. Ca sĩ: Kenny Thái

(Ca khúc này tìm thấy trên Internet. Xin cảm ơn tác giả, ca sĩ và những người đang giữ bản quyền, xin vui lòng cho chúng tôi được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này.)