Vẫn chưa tìm được chỗ chôn nghi phạm số 1 ở Boston
Quả là chết rồi vẫn chưa phải là đã hết chuyện rắc rối. Ít nhất là với trường hợp của Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, nghi can số 1 trong vụ đánh bom kép tại cuộc chạy đua Boston Marathon tại Boston (bang Massachusetts, Mỹ) chiều 15-4-2013 khiến 3 người chết và hơn 260 người bị thương.
Tamerlan đã chết vào sáng sớm 19-4 sau khi bị cảnh sát bắn trong cuộc đấu súng khốc liệt giữa hai anh em và cảnh sát truy đuổi tại Watertown (ngoại ô Boston). Còn tay em là Dzhokhar bị bắt vào tối 19-4 sau hơn 20 giờ bị cảnh sát truy lùng trong cuộc săn lùng tội phạm lớn nhất nước Mỹ với hàng ngàn nhân viên an ninh thuộc nhiều đơn vị tham gia.
Vào ngày 1-5, xác của nghi phạm Tamerlan vẫn còn nằm tại cơ quan Pháp y Massachusetts (MME). Sau khi các nhà pháp y đã xác định được nguyên nhân tử vong của Tamerlan, xác anh ta đã có thể được trả cho người thân mai táng. Theo Terrel Harris, người phát ngôn của Văn phòng Pháp y trưởng Massachusetts, người vợ góa Katherine Russell có quyền nhận xác chồng về mai táng.
Tuy nhiên, ngày 30-4, ông Amato DeLuca, luật sư ở bang Rhode Island đại diện pháp luật cho Katherine, nói rằng thân chủ của ông muốn phía gia đình chồng nhận xác của Tamerlan và tổ chức mai táng.
Ngày 2-5, Harris, người phát ngôn của Văn phòng Pháp y trưởng bang Massachusetts, cho biết một công ty dịch vụ mai táng đã tiếp nhận xác của Tamerlan theo hợp đồng với gia đình anh ta đang sống ở Mỹ.
Vấn đề rắc rối xảy ra mà cho tới ngày 6-5, gia đình Tamerlan vẫn còn phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ chôn Tamerlan – người đã trở thành kẻ thù của nước Mỹ. Ngay từ khi xác của anh ta mới được trả cho gia đình, nhiều người giận dữ đã tập trung trước dịch vụ mai táng Graham Putnam & Mahoney Funeral Parlors tại Worcester trưng biểu ngữ phản đối việc chôn nghi phạm này trên đất Mỹ. Robert Healy, người quản lý thành phố Cambridge (nơi anh em Tsarnaev sống), đã yêu cầu gia đình và dịch vụ mai táng chớ có bày đặt xin phép chôn anh ta trong thành phố này. Hàng chục nghĩa trang cũng đã từ chối nhận xác anh ta. Cái khó là theo luật Hồi giáo, người chết không được hỏa táng.
Cảnh sát Mỹ phải túc trực 24/7 trước dịch vụ mai táng Graham Putnam & Mahoney Funeral Parlors tại Worcester để đề phòng những người phản đối quá khích làm ẩu.
Ngày 5-5, Giám đốc nhà mai táng Peter Stefan cho biết không thể tìm được một nghĩa trang nào ở bang Massachusetts muốn nhận xác Tamerlan. Ông nói rằng nếu như cuối cùng thành phố Cambridge vẫn từ chối, ông đành phải tìm sự giúp đỡ của tiểu bang.
Ngày 5-5, ông chú của hai nghi phạm Ruslan Tsarni sống tại Montgomery Village (bang Maryland) đã cùng 3 người bạn tới Massachusetts gặp dịch vụ mai táng để sẵn sàng tắm rửa và liệm Tamerlan theo truyền thống Hồi giáo. Ông muốn cháu mình được chôn theo nghi thức Hồi giáo ở Massachusetts, nơi anh ta sống cả thập niên qua. Ông Ruslan nói rằng: “Người chết thì phải được chôn.”
Ông chú Ruslan Tsarni và chủ dịch vụ mai táng Peter Stefan ngày 5-5-2013 rời khỏi nơi lưu giữ xác Tamerlan sau khi đã liệm anh ta.
Hãng tin Anh Reuters (7-5-2013) cho biết: dù có lời thỉnh cầu của giám đốc nhà mai táng, Thống đốc bang Deval Patrick đã trả lời rằng ông không can dự vào vụ này. Ông nói với các nhà báo: “Đây là không phải là chuyện của bang hay liên bang, mà một vấn đề gia đình, gia đình phải tự quyết định lấy. Tôi hiểu là gia đình này có một số tùy chọn và tôi mong họ sẽ thực hiện sớm việc này.”
Gabriel Gomez, một ứng cử viên Thượng viện Mỹ thuộc đảng Cộng hòa ở Massachusetts, đưa ra đề xuất mai táng Tamerlan ở biển, giống như nhà chức trách Mỹ đã làm với trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden bị Mỹ tập kích tận Pakistan giết chết hồi đầu tháng 5-2011.
Ngay cho dù có được nơi nào cho phép chôn ở Mỹ, chẳng ai dám bảo đảm mộ của Tamerlan không bị những người cực đoan, quá khích đập phá. Ngày 5-5, người ta đọc thấy một biểu ngữ của những người phản đối đang đứng trước dịch vụ mai táng viết nằng: “Nếu chôn tên khủng bố này trên đất Mỹ, chúng tôi sẽ đào nó lên. Công lý Mỹ”. Cảnh sát Mỹ luôn có khá đông người túc trực 24/7 trước dịch vụ mai táng để đề phòng những người quá khích làm ẩu.
Quả là tình hình rất là tình hình.
Sực nhớ trước đây, cha của 2 nghi phạm là Anzor Tsarnaev, một luật sư quốc tịch Mỹ gốc Nga hiện đang sống tại Dagestan (Nga), nhiều lần nói với báo chí là muốn đưa xác con trai về quê nhà an táng. Chỉ có điều dạo gần đây ông lại im re. Có lẽ đây cũng là ngụ ý của Thống đốc bang Massachusetts khi ông nói rằng gia đình này có “một số tùy chọn”.
Báo Boston Herald (6-5) đưa tin: Giám đốc dịch vụ mai táng Peter A. Stefan cho biết chiều hôm qua mẹ của nghi phạm là Zubeidat Tsarnaeva từ Nga gọi điện trong nước mắt cho ông nói rằng bà muốn đưa xác con mình về chôn ở Nga, quê hương của anh ta. Ông Stefan nói rằng: Bất luận thế nào, Tamerlan vẫn là con trai của bà ấy. Theo ông, xác của anh ta đã được ông chú tắm rửa và liệm theo nghi thức Hồi giáo, sẵn sàng để được chôn hay vận chuyển. “Tôi có tủ giữ đông và có thể lưu giữ anh ta lâu dài. Sẽ là tốt hơn nếu chúng tôi có thể chuyển anh ta về Nga.” Dường như ông chủ nhà mai táng này muốn góp công sức giúp cho Mỹ giải quyết được một vấn đề nan giải và không bị chia rẽ. Ông nói mình sẽ bỏ tiền túi ra chịu mọi chi phí máy bay, nhưng điều ông cần là Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry phải dàn xếp với phía Nga để tiếp nhận xác Tamerlan và cho tổ chức mai táng anh ta một cách đàng hoàng. Dù gì anh ta cũng là một người đã chết và là một công dân Nga. Ông Stefan nhấn mạnh: Mình có thể bỏ ra vài ngàn USD chi phí vận chuyển, nhưng “câu hỏi của tôi là phải có ai đó sẽ làm cái gì đó một khi tôi đưa anh ta tới đó.”
Stefan nói mình đã chủ động liên hệ với bên Nga nhưng không gặp ai có trách nhiệm.
Cảnh sát hộ tống một phụ nữ Hồi giáo khi chị vào dịch vụ mai táng đang giữ xác của Tamerlan ngày 6-5-2013.
Hãng tin Mỹ AP (7-5) cho biết ông chủ Stefan đã nhận được 120 lời đề nghị nhận chôn xác Tamerlan từ một số nước ngoài. Còn trong nước Mỹ cũng có một số lời đề nghị ở ngoài bang Massachusetts. Đáng chú ý nhất là giáo sĩ Sheikh Abu-Omar Almubarac, nhà sáng lập quỹ xây dựng thánh đường Hồi giáo lớn nhất bang Colorado, cho biết sẽ chôn Tamerlan tại Denver.
Nữ giáo sư Tanya Marsh của Đại học Wake Forest, một chuyên gia về luật pháp Mỹ, nói rằng nếu như Nga không chịu nhận xác Tamerlan, thành phố Cambridge có thể buộc phải nhận nó. Luật của bang Massachusetts yêu cầu mỗi cộng đồng dân cư phải cung cấp một nơi thích hợp để chôn cất các cư dân của mình. Vì thế việc thành phố Cambridge đề nghị gia đình Tamerlan chớ có xin chôn Tamerlan ở thành phố này được coi là cách để ngăn gia đình kiện ra tòa buộc thành phố phải tiếp nhận xác anh ta.
Đúng như ông chú Ruslan nói: “Người chết thì phải chôn”. Vấn đề đang làm “dinkidau” (*) là chôn ở đâu và chôn như thế nào?
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 7-5-2013)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
(*) dinkidau – một tiếng lóng của người Mỹ xuất phát từ thành ngữ Việt “điên cái đầu” du nhập vào Mỹ từ lính Mỹ tham chiến trong chiến tranh Việt Nam.