Thứ Sáu ngày 13 tháng 9 năm 2024

Giải thưởng và thưởng giải

ruoitrau

 

Trước nay tôi vẫn lấn cấn không thông mỗi khi có một giải thưởng nghề nghiệp của mình lại phải phụ thuộc vào một doanh nghiệp nào đó tài trợ mới có thể tiến hành, trao thưởng và làm lễ trao giải. Bởi nghề báo là một nghề đặc biệt, cần sự khách quan, trung tính và thể hiện được tiếng nói riêng của mình. Vì thế, sự cao quý của giải nghề báo sẽ bị giảm đi phần nào nếu như nó trở thành một giải do doanh nghiệp trao cho nhà báo.

Nếu như là tôi, tôi sẽ dành một khoản lợi nhuận thu được của cơ quan báo chí để chi phí cho giải thưởng tôn vinh người làm nghề của mình. Nhất quyết để thiên hạ thấy rằng nghề báo không bị ai mua chuộc và tờ báo không phải quy lụy một ai khác.

Các chương trình khác rất cần sự tài trợ. Nhưng riêng giải thưởng cho nghề báo thì càng ít phụ thuộc ai đó càng tốt.

Dĩ nhiên sẽ tốt đẹp biết bao nếu như cần phải có tài trợ mà có được nhà tài trợ có văn hóa, có nhân cách không chường mặt ra một cách quá lộ liễu, chèn các sản phẩm của mình vào chương trình một cách thô kệch. Đành rằng ai bỏ tiền ra cũng phải đạt được mục đích của mình, đó là sự sòng phẳng và lẽ đương nhiên, nhưng có những lúc sự xuất hiện tinh tế và có văn hóa lại đem lại nhiều hiệu quả truyền thông hơn. Quảng cáo thành công thật sự là quảng cáo đi vào lòng người, lấy được cảm tình của khán giả, làm cho khán giả thương mình hơn.

Chẳng ai phủ nhận được sức mạnh của đồng tiền. Nhưng đồng tiền giống như dòng nước; nếu được sử dụng đúng đắn sẽ là nguồn nước tưới cho những cách đồng, là nguồn nước sinh hoạt cho con người; còn ngược lại sẽ trở thành dòng thác lũ cuốn phăng mọi giá tri.

Và cho dù cần tài trợ thì cũng chẳng nên có tiền bằng mọi giá, ai tài trợ cũng nhận. Bất luận thế nào cũng có những chuẩn mực và những giới hạn cho phép.

Mà tôi chỉ thắc mắc: sự xuất hiện lố và thô là do nhà tài trợ đòi hỏi hay do người được tài trợ quá đà? Không hiểu có phải vì tôi có tới 4 mắt và làm báo tròn 40 năm rồi nên thấy tới 500 anh em lồ lộ.

Tối nay tôi lại thêm một tập buồn cho một kỳ giải thưởng nghề của tôi. Thương anh Ruồi Trâu Arthur của nữ văn sĩ Mỹ gốc Anh Ethel L. Voynich biết bao.

Ấy là tôi nghĩ vậy. À há.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 7-9-2016)

+ Ảnh: Internet. Thanks.